Có phải bạn đang muốn đến thăm đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh Vĩnh Phúc? Dù là bạn mới đến lần đầu, hay đã từng đi đến đây đôi ba lần, bạn có chắc chắn biết được nơi đây ẩn dấu rất nhiều điều thú vị. Dưới đây là top 10 điều cần biết về đền thờ Hai Bà Trưng mà bạn nên biết trước khi lên đến nơi này nhé!
Những thứ nên biết trước khi đến đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh Vĩnh Phúc
Nơi tọa lạc của đền thờ Hai Bà Trưng
Đền thờ Hai Bà Trưng, hay còn có cái tên khác là đền Hạ Lôi tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.
Như cái tên đền đã quá rõ ràng, là đến này để tưởng nhớ công đức của 2 vị liệt sĩ, anh hùng của dân tộc: Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Lí do đền thờ Hai Bà Trưng được xây dựng tại Vĩnh Phúc?
Vĩnh Phúc là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, lúc phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.
Theo sử sách, Hai Bà Trưng là chị em sinh đôi, chị gái có tên là Trưng Trắc (có nghĩa là trứng lứa đầu), em gái có tên Trưng Nhị (có nghĩa là trứng lứa sau). Trưng Trắc và Trưng Nhị quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Có cha là quan Lạc tướng ở huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (gọi theo tên tục là bà Man Thiện). Hai bà được mẹ mời thầy giỏi dạy bảo nên khi lớn văn võ song toàn, có lòng thương dân và có ý chí tự lập.
19 tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (hiện nay là Sơn Tây) cũng là người có ý chí chống giặc Hán. Sau 1 năm, Thi Sách bị giặc Hán là Tô Định giết.
Căm thù giặc cướp nước, hận kẻ thù giết chồng, ngày 6/1 năm 40 sau CN, được sự ủng hộ của mẹ và thầy học, Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa, quân dân trong vùng theo về rất đông tụ nghĩa dưới cờ. Trước lễ xuất quân, dưới ngọn cờ, Hai Bà Trưng tuốt gươm thề cùng trời đất, lời thề như lời hịch đầy hào khí, suốt hai ngàn năm sử sách, dân gian vẫn còn lưu truyền.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, và cả trong lịch sử nhân loại, một cuộc khởi nghĩa do hai nữ anh hùng lãnh đạo, đánh đuổi giặc ngoại xâm và giành được thắng lợi.
Có thể nói, Hai Bà Trưng là người đầu tiên có công giữ nước, dựng dựng, là người đặt nền móng cho truyền thống đánh giặc, ý thức tự lập, tự cường của dân tộc ta.
Thuyết phong thủy khi xây dựng đền thờ Hai Bà Trưng
Đền thờ Hai Bà Trưng- Mê Linh toạ trên một khu đất cao, thoáng đãng. Theo thuyết phong thuỷ: Đền tọa lạc trên thế đất “trán con voi trắng” trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), tận đến bây giờ vẫn còn sót lại vết tích của những nơi như ao Mắt voi, Vòi voi hay hồ Ao Bàng; phía trước là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa kia chạy vòng phía trước đền, phía sau đền là khu vực thành cổ bao gồm 2 lớp: trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là Thành Ống.
Thời gian và dự án xây dựng đền thờ Hai Bà Trưng
Ngày 29/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án tôn tạo và xây dựng khu di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng trên diện tích khoảng 13ha. Dự án này bao gồm trùng tu, tôn tạo đền chính là tam tòa chính điện, đồng thời xây dựng một cách đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình phù trợ như: Đền thờ thân, phụ mẫu của Hai Bà Trưng; đền thờ ông Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng; dựng cột đá thề; khôi phục ao Mắt Voi; cải tạo lại hồ Mắt Voi… , tạo thành khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng – Mê Linh với quy mô kiến trúc khang trang.
Tháng 5/2003, Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đưa vào hạng mục dự án quan trọng cấp Quốc gia.
Năm 2004, Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng được bắt đầu tiến hành trùng tu, tôn tạo.
Kiến trúc của đền thờ Hai Bà Trưng
Đền được xây dựng theo hình chữ “tam”, gồm: Tiền tế, Trung tế và Hậu cung, xung quanh là tường gạch; hai bên là Tả mạc và Hữu mạc.
Phía bên trái Tam tòa Chính điện là đền thờ ông Thi sách và thân phụ, thân mẫu của ông, đền thờ các nam tướng của triều Trưng Vương. Phía bên phải Tam tòa Chính điện là đền thờ thân phụ, thân mẫu, sư phụ, sư mẫu của Hai Bà Trưng và đền thờ các nữ tướng của triều Trưng Vương, miếu thờ Thổ thần. Sân trên, sân trong, sân ngoài của Tam tòa Chính điện đều được lát bằng đá phiến.
Sân trong hay còn gọi là sân nghi lễ. Hai bên sân trong là nhà tả mạc và hữu mạc có kết cấu đầu hồi bít đốc và lầu chuông, lầu trống.
Sân ngoài có kiến trúc hình “ngũ phúc” bởi ngọn đá thề ở giữa sân và bốn bồn hoa hình con dơi ở bốn góc sân đá. Có 18 cỗ voi đá được đặt ngay ngắn thành hai hàng hai bên sân đá hướng vào giữa sân, tượng trưng cho voi của 18 đời vua Hùng. Hai bên của sân ngoài là hai khu vườn hoa cây cảnh, thảm cỏ, cây bóng mát, đường dạo và khu trồng cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Kết nối giữa sân nội và sân ngoại là Tam môn nội (công trình này có từ thời nhà Nguyễn vào 1889). Vào năm 2005, Tam môn nội được tu bổ lại với chất liệu gỗ lim, hệ thống cột to tròn nâng đỡ 4 mái và 4 đầu đao uốn cong mềm mại bởi những con kìm hóa rồng uyển chuyển.
Tam môn ngoại được dựng từ những khối đá tạo nên tứ trụ vuông và hai mái cổng phụ, được đục đẽo những đường nét, họa tiết hình những con giống trong “Tứ linh” là long, ly, quy, phượng ở bốn mặt phía trên của cột đá. Ở mỗi mặt cột đá có khắc câu đối ca ngợi công đức của Hai Bà Trưng.
Đan xen trong khu nội vi có hồ Bán nguyệt, hồ Mắt voi, lạch Vòi voi và hồ Tắm voi cũng được trùng tu. Đối xứng với hồ Tắm voi là đồi đất cao được trồng các cây gỗ quý, cây bóng mát, cùng với hệ thống đèn đá, đèn cao áp đặt khắp khu nội vi tỏa sáng vào ban đêm, càng làm cho khu di tích trông giống như một cung điện lộng lẫy.
Hệ thống tường bao cùng tam môn ngoại vi khép kín khu nội vi rộng khoảng 4ha. Khu ngoại vi rộng hơn 7ha là khu vực tái hiện không gian lịch sử diễn ra các trò chơi dân gian trong các lễ hội như: đu tiên, chọi gà, bịt mắt bắt dê, cờ người…
Việc quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và mở rộng Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng – Mê Linh hoàn chỉnh đã hứa hẹn nhiều thuận lợi cho sự phát triển của Mê Linh. Người dân nơi đây có điều kiện phát huy thế mạnh của mình và đây sẽ là điểm hẹn du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng
Có mặt bằng hình chữ Đinh, bao gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế bao gồm nhà 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải kiểu bờ đinh. Hậu cung bao gồm 1 gian và 2 dĩ.
Đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách
Nằm về phía bên trái đền thờ Hai Bà Trưng – Mê Linh, quay hướng Tây Nam đền thờ thân phụ thân mẫu ông Thi Sách có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung.
Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng
Có mặt bằng hình chữ nhất, bao gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ để lấy ánh sáng vào. Hệ khung đỡ mái bao gồm 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa bàn thờ xây bệ cao bài trí ngai và bài vị, phía trước bài trí hương án.
Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng
Quay về hướng Đông Bắc, có mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhất, gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, với 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa bàn thờ xây bệ cao bài trí khám thờ và bài vị.
Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng
Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng – Mê Linh được mở chính từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng, được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương.
Ngoài ra, còn có những ngày lễ truyền thống như: ngày 8/3 âm lịch(là ngày hóa của Hai Bà Trưng), ngày 1/8 âm lịch (là ngày sinh của Hai Bà Trưng), ngày 10/11 âm lịch (là ngày giỗ ông Thi Sách)…
Hi vọng với 10 điều chúng tôi cung cấp ở trên sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu hơn về đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh Vĩnh Phúc. Chúc bạn có một chuyến đi đến đền thờ Hai Bà Trưng thuận lợi!